Buổi chiều Manila cuối tháng 7, mưa trắng trời do cơn bão Doksuri, tôi cùng anh bạn người Philippines làm vài ly bia trong quán bar ấm áp.
Ở lứa tuổi chúng tôi, con cái luôn là chủ đề dễ mang đến sự đồng cảm. Tôi khoe “con tao vẫn thường chơi game online với lũ nhóc bên này”. Anh bạn mỉm cười “uhm, chắc để học tiếng Anh hả?”.
Philippines từ vài năm nay trở thành địa chỉ quen thuộc để người Việt học tiếng Anh từ online tới offline. Trình độ tiếng Anh của dân Phi cũng vượt trội so với các nước ASEAN, vì đây vốn là ngôn ngữ chính thức từ những năm cuối thế kỷ 19 – thời người Mỹ còn đô hộ quốc đảo này.
Lứa tuổi chúng tôi, cuộc đời đầu bao cấp, đuôi vắt sang kinh tế thị trường, càng thấu hiểu tầm quan trọng của tiếng Anh, đặc biệt lứa đầu tiên làm cho Tây (cách gọi các công ty đa quốc gia) thời Việt Nam mới mở cửa. Lương tính bằng đô, chế độ làm việc và đãi ngộ chuẩn Tây làm bạn bè ngưỡng mộ. Nhưng đằng sau đó, có những nỗi đau “mù chữ” được giấu kín.
Thời chúng tôi, tiếng Nga là thống soái. Từ suốt những năm học cấp 2, rồi cấp 3, giáo trình của lũ học trò chuyên Toán chúng tôi được chuyển ngữ từ đề thi vô địch Moscow, vô địch Minsk. Lên đại học, lại những giáo trình tiếng Nga chuyên ngành in roneo trên nền giấy thô mộc, đôi khi còn nguyên sợi gỗ nổi cộm trên trang sách. Tiếng Nga xã hội nếu có, chỉ xoay quanh những chủ đề xa lạ nhưng hầu như không có cơ hội thực hành.
Tiếng Anh đến với chúng tôi qua giai điệu tình yêu quyến rũ của nhóm Boney M., hay Modern Talking, nhưng vẫn quá xa xỉ với những sinh viên suy dinh dưỡng, còn ngơ ngác với tương lai.
Mỗi cuộc họp, mỗi buổi huấn luyện trong công ty với chúng tôi thực sự là cơn ác mộng. Tài liệu có thể dịch được một phần nhờ những cuốn từ điển kín đáo nhét trong cặp, nhưng chẳng có gì giúp chúng tôi nghe hiểu điều sếp nói. Từ sang sảng giọng Mỹ, du dương giọng Anh, hay cả đặc sệt thổ ngữ của người Phi, người Ấn… với chúng tôi đều sang trọng. Việc duy nhất có thể làm, là gật gù yes yes thật đúng nhịp, để tối về toát mồ hôi tự hỏi sếp đã nói gì vậy.
Lứa tuổi chúng tôi không chỉ yes yes do kém tiếng Anh, mà khó dám nói no vì phải ép mình trong khuôn khổ xã hội một màu. Con ngoan trò giỏi là những đứa trẻ biết nghe lời, là đứa học trò chỉ được tin những gì thầy cô truyền đạt. Cặm cụi giải toán, lụi hụi viết văn theo khuôn mẫu, tư duy cá nhân luôn trốn sâu, lặn kỹ thật an toàn trong cái vỏ tập thể, nào mấy ai dám đưa ra ý kiến cá nhân.
Thật hài hước, thế hệ yes yes chúng tôi bắt đầu nói No khi thành cha thành mẹ. Với quyền năng của bậc sinh thành, chúng tôi áp đặt suy nghĩ cho thế hệ tiếp theo, không ngần ngại nói No với con cái, dập tắt mọi ý kiến trái chiều, bị coi là lệch chuẩn.
Không hề biết về ban nhạc Blackpink cho tới khi chiến dịch PR ồn ào trên báo và mạng xã hội, nhưng tôi cũng chẳng ngạc nhiên khi thấy ngập tràn ý kiến phản bác cơn sóng cuồng nhiệt lớp trẻ. Tôi tin rằng, phần nhiều những lời chê bai đến từ thế hệ yes yes.
Cả tuổi thơ ngồi bệt xem phim nơi đình làng, tai quen nghe “30 phút dân ca và nhạc cổ truyền”, lớp người yes yes chúng tôi có thể thấy ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái với giá vé hàng triệu đồng, với sự thái quá của giới trẻ dành cho mấy ca sĩ ngoại quốc, những vũ điệu chẳng giống liền anh liền chị, cùng những bài hát “nghe như đấm vào tai”.
Sự lệch pha giữa các thế hệ như được đẩy xa hơn và nhanh hơn cùng với tốc độ phổ cập tiếng Anh trong giới trẻ. Tiếng Anh, như một ngôn ngữ chung toàn cầu, luôn là phương tiện cơ bản và quan trọng giúp kết nối giới trẻ, tạo nên thế giới riêng của bạn đồng trang lứa.
Thời đại ngày nay, bất kỳ đứa trẻ học cấp 3 nào, chỉ với chiếc điện thoại thông minh cũng có thể tiếp cận nguồn thông tin đa dạng và phong phú hơn tất cả sinh viên thời yes yes. Với vốn tiếng Anh thành thạo, góc nhìn của giới trẻ đã vượt xa khỏi lũy tre làng, để hòa mình vào sự đa dạng trong văn hóa cùng dòng chảy thông tin ngồn ngộn. Nó góp phần mang lại cho mỗi người trẻ nhận thức riêng, để cấu thành bản sắc cá nhân, khẳng định cái tôi.
Đâu đó sẽ có sự thái quá của tâm lý đám đông, hay sự quá khích của một vài cá nhân. Sẽ có những giai đoạn mà đứa trẻ biết rõ màu son của thần tượng hơn cả quầng thâm trên mắt cha mẹ. Nhưng dù vậy, câu yes đồng cảm của lớp người đi trước sẽ thực sự cần thiết, như một cái neo bền chặt níu giữ giới trẻ với gia đình, thay vì đẩy chúng ra xa.
Quay lại câu chuyện với anh bạn người Philippines cùng câu hỏi phải chăng con tôi muốn học tiếng Anh, tôi lắc đầu.
Con tôi, cùng bạn bè của cháu đâu còn là lớp người yes yes. Một thế hệ mới, khác trước, đang trưởng thành.
Tác giả: Ngô Trọng Thanh
Nguyễn Hân sưu tầm
Tìm hiểu về chúng tôi tại:
Fanpace: Dược phẩm 5 Phát
Website: https://5phat.vn