Câu chuyện được kể rằng
Ngày xưa trong một gia đình nọ có ba anh em trai, hai người anh thì lười biếng ích kỷ, tham lam, nhưng ngược lại người em út vừa siêng năng, vừa thật thà hiếu thảo.
Những việc khó khăn nặng nhọc trong nhà thì hai người anh đẩy hết cho người em nhưng khi có món ăn ngon hay quần áo đẹp thì lại tranh nhau giành hết về phần mình. Tuy vậy, Út vẫn không than phiền gì mà lúc nào cũng vui vẻ nhường nhịn hai anh.
Một hôm người cha lâm bệnh nặng, Út vô cùng lo lắng, ngày đêm túc trực chăm sóc cha rất chu đáo, trong khi hai người anh vẫn mải mê rong chơi đầu làng cuối xóm. Bệnh tình của người cha ngày càng nguy kịch, thầy thuốc bảo:
– Ông cụ mắc phải bệnh nan y khó lòng qua khỏi! Út hốt hoảng:
– Thật vậy sao? Chẳng lẽ không còn cách nào cứu chữa sao? Thầy thuốc suy nghĩ một lát rồi nói:
– Có một cách nhưng khó khăn lắm.
– Thưa thầy, khó thế nào con cũng làm được xin thầy cứ cho con biết.
– Giờ chỉ có một vị thuốc quý là có thể chữa khỏi bệnh cho cha của con, nhưng để nấu được loại thuốc này thì cần phải tìm được một loại cỏ quý trên núi Trúc Lĩnh, đường đi đến đó gian nguy, hiểm trở, phải đi qua một cây cầu làm bằng một sợi dây thừng bắc ngang con suối sâu, phải vượt qua một con sông rộng mà không có đò, rồi lại phải leo lên một ngọn núi bốn phía đá dựng lên như bức tường thành lúc đó mới đến được ngôi chùa có thứ cỏ thơm ấy.
Người cha nghe vậy gắng gượng nói:
– Ai trong các con kiếm được thuốc về chữa cho cha sẽ được hưởng toàn bộ gia tài.
Hai người anh nghe thấy hai chữ “gia tài” liền sợ người em sẽ chiếm mất nên nhảy bổ đến bên giường cha nhanh nhảu nói: “Để chúng con đi”.
Sáng hôm sau, hai người anh lên đường đi đến núi Trúc Lĩnh, đến con suối sâu nước réo ùng ục họ sợ quá, lại thấy cây cầu bắc qua suối chỉ là một sợi dây thừng đung đưa trong gió, hai người họ cứ đùn đẩy nhau không ai dám bước qua trước. Bỗng có cụ già râu tóc bạc phơ gánh củi từ trong rừng đi ra nói:
– Các cháu có thể gánh giúp cụ bó củi này đi qua bên kia bờ được không?
Người anh cáu kỉnh đáp:
– Chúng tôi đi người không mà còn chưa dám qua, ai lại đi gánh củi cho ông nữa.
Rồi sau đó họ cố gắng bước qua cây cầu, nhưng sợi dây cứ chao qua chao lại như muốn hất cả hai xuống suối. Loay hoay mãi không được nên họ đành tay không trở về.
Người em Út thấy vậy liền từ biệt cha và hai anh lên đường quyết tìm cho được loại cỏ quý ấy. Đi đến bờ suối anh cũng gặp ông lão hôm nọ, ông lão chưa nói gì anh đã chạy lại đỡ gánh củi lên vai rồi lễ phép nói:
– Thưa ông cây cầu này nguy hiểm lắm ông hãy để con gánh bó củi này qua rồi quay lại dìu ông sang bên kia bờ.
Lạ thay anh bước lên cầu dễ dàng và đi một mạch sang bên kia. Út mừng quá đặt gánh củi xuống định quay lại đón ông lão thì lại thấy ông lão đã đứng trước mặt mình từ bao giờ. Ông lão tươi cười hiền từ nói:
– Con thật tốt bụng và gan dạ, bây giờ con muốn đi đâu?
– Thưa ông con muốn đi tìm cây thuốc quý để chữa bệnh cho cha.
– À ta biết nơi có loại dược thảo đấy, để ta chỉ đường cho.
– Dạ con xin cảm ơn ông.
– Bây giờ con hãy đi thẳng theo con đường này đến khi gặp một con sông lớn, con hãy gọi ba lần: “Ơi Bạch hạc giúp ta sang sông”. Đi tiếp ba ngày trời con sẽ đến chân núi Trúc Lĩnh, khi đến chân núi phía Nam con hãy gõ vào vách đá 7 tiếng rồi gọi: “Hỡi núi cao hãy mở đường cho ta đi”. Lên đến ngôi chùa sẽ có sư ông giúp con.
Anh bái tạ ông lão rồi lên đường. Anh làm theo những gì cụ già dặn và cuối cùng anh đã lên được đến ngôi chùa.
Anh vừa tới nơi thì sư ông xuất hiện, anh vái chào sư ông rồi nói:
– Thưa sư ông con lên đây tìm cây thuốc chữa bệnh cho cha xin sư ông giúp con ạ.
Sư ông nhìn anh trìu mến và nói:
– Con đúng là một người con hiếu thảo. Thật đáng khen.
Rồi sư ông dắt anh út vào vườn chùa hái cho anh một nắm cỏ rồi dặn: “Con hãy đem nắm cỏ này về nấu với hoa bưởi rồi đem cho người bệnh uống”.
Người con út đa tạ sư ông rồi xin phép trở về. Anh đi theo con đường cũ để trở về nhà nhưng lạ thay sông suối rồi cây cầu bằng dây thừng đều biến mất và trước mắt anh là con đường bằng phẳng. Anh đi thật nhanh về nhà. Vừa về đến đầu làng người em đã gặp hai người anh đang đứng đợi mình. Hai anh nói:
– Em đi đường xa chắc là mệt cứ ngồi ở đây nghỉ ngơi, để anh mang bó thuốc này về trước cho.
Không hề so đo tính toán người em liền đưa bó thuốc cho hai anh. Chỉ chờ có thể hai người anh chạy thật nhanh về nhà đưa bó thuốc cho cha nhằm cướp công của người em.
Hai người anh hí hửng lấy một ít thuốc ra cho vào ấm để đun lên. Người cha vui mừng khen ngợi hai người anh. Nhưng khi người cha vừa uống một ngụm thuốc thì ông thấy choáng váng và đau đớn vô cùng. Đúng lúc đó người em út về đến nhà. Thấy vậy người em chạy ra vườn hái hoa bưởi để sắc thuốc theo lời sư ông dặn.
Quả nhiên khi vừa uống xong chén thuốc người em sắc, người cha trở nên khỏe mạnh hơn.
Vài ngày sau ông gọi ba người con đến và nói:
– Ta dùng của cải để thử thì quả nhiên đã lộ diện ra ai là người tham lam, ai là người chân thành hiếu thảo. Như đã hứa, ta sẽ để lại gia tài cho Út. Còn hai anh em tuy làm anh nhưng lại tham lam, ích kỷ, đối xử tệ bạc với em, lại còn suýt hại ta. Nay ta sẽ đưa hai anh con ra khỏi nhà và không được mang theo thứ gì hết.
Người con út thấy cha trở lại mạnh khỏe, nên vô cùng vui sướng và nói với cha:
– Thưa cha, con không trách hai anh. Xin cha hãy chia đều gia tài cho ba anh em con. Mọi chuyện sẽ tự có nhân quả của nó.
Người cha thấy vậy liền nói: “Con đúng là em hiền con thảo, được, cha sẽ làm theo ý của con”. Trước nghĩa cử cao đẹp của người em, hai người anh vô cùng hối hận. Từ đó họ bắt đầu thay đổi tính tình không còn tham lam và lười biếng nữa.
Bài học rút ra từ câu chuyện Bài thuốc chữa bệnh tham lam và tích kỷ
Anh em hoà thuận, nâng đỡ nhau chính là biểu hiện của lòng hiếu thảo. Cái gốc của hiếu thảo chính là sự biết ơn và tình thương. Cha mẹ giúp con hình thành được đức tính ấy thì không lo con sẽ bất hiếu về sau.
NGUYÊN NHÂN + ĐIỀU KIỆN → KẾT QUẢ
Cha mẹ dạy con biết ơn và trân trọng sức lao động → Con được mọi người tôn trọng, tự lập cuộc sống tốt, có được công việc tốt
NHÌN SÂU NHÂN QUẢ
1. Cha mẹ tạo điều kiện cho con lao động hợp lý từ nhỏ → Con tôn trọng công sức lao động, tự lập, có được công việc tốt
2. Cha mẹ làm gương tôn trọng công sức lao động → Con kính trọng, con nghe lời dạy bảo
3. Cha mẹ không nuông chiều con thái quá → Con tự lập, cha mẹ dễ dạy con nên người
Câu hỏi tư duy
1. Điều gì khiến người em út có thể lấy thuốc thành công cho người cha?
2. Theo bạn, đâu là nguyên nhân khiến anh em trong gia đình bất hoà?
3. Theo bạn cha mẹ nên làm gì để giúp con từ bỏ tính tham lam và ích kỷ?
Trích: theo gót vĩ nhân
Nguyễn Hân sưu tầm
Tìm hiểu về chúng tôi tại:
Fanpace: Dược phẩm 5 Phát
Website: https://5phat.vn