/Đây là một câu chuyện đơn giản, nhưng lại là lời nhắc nhở quan trọng về góc nhìn và cái tôi của mỗi người/

Hôm nay, mình và bạn vào quán cà phê. Vừa mới ngồi xuống ghế, bạn mình đã cau mày: “Cái ghế này bé xíu, ngồi chật quá!”

“Ơ vậy à?” Mình ngạc nhiên, trong đầu thầm nghĩ: “Mặt ghế to mà nhỉ?” Thế nhưng, vì lịch sự nên mình không nói gì cả.

Hai đứa ngồi nói chuyện tầm 1 tiếng. Trong lúc ngồi, thỉnh thoảng bạn lại cựa quậy, có lẽ do hơi khó chịu.

Sau một hồi, bạn đứng dậy đi vệ sinh, đột nhiên kêu lên: “Ơ, cái ghế bên cạnh to hơn này!”

Mình nhìn sang. Hóa ra, ghế của bạn mình có bề mặt tròn và nhỏ nhắn. Trong khi đó, chiếc ghế mình đang ngồi giống như chiếc ghế bên cạnh bạn – có mặt vuông và rộng rãi, ngồi thoải mái hơn hẳn.

Khoảnh khắc ấy, mình mới hiểu ra: À, hóa ra chúng mình đang ngồi trên hai chiếc ghế khác nhau.

Chuyện nhỏ, nhưng khiến mình nhớ đến một hiện tượng tâm lý: Egocentric Bias (Thiên kiến Vị kỷ).

Con người ta thường có xu hướng tin rằng cảm nhận, suy nghĩ, trải nghiệm của bản thân là tiêu chuẩn, là hệ quy chiếu đúng, từ đó đem hệ quy chiếu này đi đánh giá người khác.

Vì mình thấy ghế rộng nên mặc định rằng “ghế nào chẳng như ghế của mình.”

Và có lẽ bạn mình, khi ấy cũng thầm nghĩ trong đầu “chắc do cơ thể mình to quá nên mới ngồi không thoải mái.”

Chúng mình quên mất rằng, rất có thể lý do nằm ở một yếu tố khác, không liên quan đến bản thân mỗi người.

Trong cuộc sống cũng vậy.

Có người ngay từ đầu đã được ngồi trên “chiếc ghế vuông” – rộng rãi, thoải mái, dễ chịu.

Có người bị đặt vào tình thế phải xoay xở trên “chiếc ghế tròn”: bé nhỏ và chật chội vô cùng.

Thế nhưng, chúng ta rất thường xuyên đánh giá người khác về “con người” và “bản chất” của họ, trong khi không hề biết họ đang ngồi trên chiếc ghế nào.

Thấy người ta than thở, chúng ta nói: “Làm gì căng thế, tôi thấy bình thường mà!”

Thấy ai đó phản ứng mạnh, ta kết luận: “Nhạy cảm quá!”

Thấy một người than vãn về cuộc đời họ, ta bĩu môi: “Có mỗi thế thôi mà…”

Trong khi đó, ta lại không biết rằng họ đang ngồi trên một chiếc ghế khác hẳn với mình.

Trải nghiệm của họ khác với mình.

Sức chịu đựng cũng vậy.

Vậy nên, nếu có ai đó phản ứng khác mình, cảm nhận khác mình, hoặc sống một cuộc đời không giống mình, bạn đừng vội kết luận rằng họ yếu đuối, phức tạp hay sai lầm.

Có thể đơn giản, chỉ là họ đang ngồi trên một chiếc ghế khác với bạn thôi.

.

.

Bạn hãy lưu bài viết này lại, như một lời nhắc nhở về góc nhìn tham chiếu và cái tôi của bản thân nhé!

Coach Tran Mai Anh

Nguyễn Hân sưu tầm 

Tìm hiểu về chúng tôi tại:
Fanpace: Dược phẩm 5 Phát
Website: https://5phat.vn


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.